Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc

  Và hôm nay, cả dân tộc Việt Nam vẫn đang vững vàng, tự tin đi trên con đường mà Người đã vạch đường, chỉ lối, con đường đi tới dân chủ, tự do, công bằng và hạnh phúc. Toàn Đảng, toàn dân đã và đang tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học Bác để chúng ta thêm tự hào về một con người cao đẹp - không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của nhân loại.

  Đến với văn chương trên con đường hoạt động cách mạng

  Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh không tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ, mà chỉ là người bạn của văn nghệ. Trong bài thơ Khai quyểnmở đầu cuốn Nhật ký trong tù Người bộc lộ: “Lão phu nguyên ái bất ngâm thi”, nghĩa là: “Già này vốn không thích ngâm thơ”, nhà thơ Nam Trân dịch là: “Ngâm thơ ta vốn không ham”. Nhưng điều đó không có nghĩa là Người không yêu văn học, nghệ thuật, mà bởi vì, Người từng trả lời một số nhà báo nước ngoài năm 1946 sau khi cuộc Tổng tuyển cử thành công tốt đẹp: “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Bởi vậy, Người đã dồn tất cả trí tuệ, tâm huyết, sức lực cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân, trở thành nhà chính trị, nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc. Cái bút danh Nguyễn Ái Quốc mà người lấy những năm 20 của thế kỷ XX khi hoạt động cách mạng tại Pháp đã bộc lộ rõ ý chí, khát vọng của “người thanh niên yêu nước”, mong muốn cứu nước, cứu dân. Nhưng, trên thực tế, Người lại để lại cho dân tộc và nhân loại một di sản văn học vô cùng to lớn, trở thành nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc và thế giới. Điều gì xui khiến người tìm đến với văn chương nghệ thuật? Đã có nhiều nhà nghiên cứu lí giải về điều này. Đó là, Người cầm bút chủ yếu là do hoàn cảnh thôi thúc, do nhiệm vụ cách mạng yêu cầu. Nghĩa là, trên con đường hoạt động cách mạng, Người nhận thấy văn chương thực sự là một vũ khí lợi hại, sắc bén phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng, Người đã nắm lấy nó, mài sắc nó bằng nhiệt tình cách mạng và đã trở thành nhà văn, nhà thơ ngoài dự định của mình. Nghiên cứu di sản văn học Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thấy, phần lớn sáng tác của Người được làm để phục vụ cho cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc. Chúng ta liên tưởng tới con đường đến với văn chương, nghệ thuật của Lỗ Tấn - nhà cách mạng vĩ đại của Trung Quốc đầu thế kỷ XX: Bắt đầu con đường lập thân bằng dự định học nghề hàng hải, khai mỏ những mong làm giàu cho đất nước; rồi chuyển theo nghề y với khát vọng chữa bệnh cho người nghèo ốm không có thuốc như cha ông; rồi nhận thấy, chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần cho quốc dân, thức tỉnh quốc dân đang “ngủ mê trong nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”. Cũng như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã đến với văn chương trên con đường hoạt động cách mạng, dùng văn chương như một vũ khí sắc bén để tuyên truyền, đấu tranh cách mạng, đánh thức đồng bào, hiệu triệu non sông.

  Một trong những lý do cắt nghĩa cho con đường đến với văn thơ của Hồ Chí Minh là  do môi trường thiên nhiên gợi cảm trên cơ sở một tài năng nghệ thuật đích thực, một tâm hồn nghệ sĩ chứa chan cảm xúc trước thiên nhiên, tạo vật, con người và cuộc đời. Ta nhận thấy, những bài thơ nghệ thuật của Chủ tịch Hồ Chí Minh hầu hết được sáng tác trong những giây phút dạt dào cảm hứng của một nhà thơ đích thực, như Vọng nguyệtĐi thuyền trên sông Đáy, Nguyên tiêuCảnh khuya,... Vả lại, nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo, nếu không có một tài năng và tâm hồn nghệ sĩ đích thực thì dù thiên nhiên có gợi cảm đến đâu cũng tuyệt không thể có vần thơ hay!

  Một sự nghiệp văn học to lớn

Hồ Chí Minh nhà văn nhà thơ lớn. Sự nghiệp văn học của Người gắn liền với sự nghiệp cứu nước cứu dân. Ở Hồ Chí Minh, văn cũng tức là người. Văn thơ của Người phản ánh tâm hồn cao đẹp và cuộc đời vĩ đại của Người - một cuộc đời trọn đời vì nước, vì dân. Không tự coi mình là nhà văn nhà thơ, nhưng trên thực tế Hồ Chí Minh để lại di sản văn học vô cùng quý giá cho dân tộc và nhân loại. Đó là sự nghiệp văn học lớn lao về tầm vóc, phong phú đa dạng về thể loại và đặc sắc về phong cách sáng tạo.

Do điều kiện hoạt động cách mạng ở nước ngoài từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, chủ yếu ở Pháp và Trung Quốc, nên sáng tác của Hồ Chí Minh viết bằng 3 thứ tiếng: Tiếng Pháp, Tiếng Hán và Tiếng Việt. Trên con đường hoạt động cách mạng rồi trở thành lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã viết nhiều thể loại, khởi đầu bằng những bài báo, những bài nghị luận sắc sảo tinh thần chiến đấu, rồi Người sáng tác cả truyện, ký, kịch, thơ ca… Có thể nói, sáng tác văn học của Hồ Chí Minh chủ yếu thuộc 3 lĩnh vực chính sau đây: văn chính luận, truyện và kí, thơ ca.

  Văn chính luận Hồ Chí Minh: Đây là lĩnh vực nổi bật, chiếm đa số trong sự nghiệp của Hồ Chí Minh, được Người sáng tác từ những năm 20 của thế kỷ XX ở Pháp, trên các tờ báo Pháp với bút danh Nguyễn Ái Quốc và những bài văn chính luận viết từ lúc về nước cho tới cuối đời.

  Văn chính luận Hồ Chí Minh sáng tác chủ yếu với mục đích đấu tranh chính trị, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong từng giai đoạn. Đó là nhiệm vụ đấu tranh trực diện với kẻ thù thực dân, đế quốc và phong kiến tay sai. Đó là nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ đấu tranh hoặc thể hiện những nhiệm vụ chính trị của cách mạng, của dân tộc trong từng giai đoạn. Những tác phẩm chính luận của Người thường đánh dấu những sự kiện trọng đại của dân tộc và phục vụ đường lối, chủ trương, chính sách của cách mạng và do đó mang tính chiến đấu rất cao. Một số tác phẩm tiêu biểu như Bản án chế độ thực dân PhápTuyên ngôn độc lập,Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiếnKhông có gì quý hơn độc lập tự doDi chúc

  Bản án chế độ thực dân Pháp xuất bản tại Pháp năm 1925, gồm 12 chương và 01 phụ lục (Gửi thanh niên Việt Nam) thực chất là thiên phóng sự điều tra quy mô về tội ác của thực dân Pháp ở các nước châu Phi và châu Á, về nỗi thống khổ của các tầng lớp nhân dân thuộc địa, nhất là những người phụ nữ. Mỗi chương sách tố cáo nhiều tội ác của chủ nghĩa thực dân gây ra bao đau khổ cho các dân tộc Á, Phi, trong đó có dân tộc Việt Nam (các chương Thuế máuViệc đầu độc người bản xứTệ tham nhũng trong bộ máy cai trịBóc lột bản xứChính sách ngu dân,..), nhưng có lẽ xúc động nhất là chương XI Nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ, với những minh chứng cụ thể, rõ ràng, không ai có thể chối cãi về thủ đoạn tàn bạo, độc ác, mất nhân tính của chủ nghĩa thực dân hiện lên qua chân dung của từng ông quan cai trị (các chương Các quan thống đốc, Các quan cai trịNhững nhà khai hóaCông lýChủ nghĩa giáo hội,…). Nói cách khác, đây là tập hồ sơ chi tiết vạch trần bản chất dã man, tàn bạo của thực dân Pháp, là bản cáo trạng đanh thép về tội ác của chủ nghĩa thực dân; đồng thời tác phẩm còn chỉ ra con đường đấu tranh cách mạng đúng đắn để thoát khỏi áp bức của nhân dân thuộc địa (chương XII Nô lệ thức tỉnh). Văn phong rõ ràng, đanh thép; vừa hài hước, mỉa mai, vừa xót xa, nghẹn ngào, đau đớn khi viết về nỗi khổ nhục của người dân thuộc địa; do đó vừa đem lại nhiều hiểu biết cho người đọc, vừa gây xúc động mãnh liệt. Tác phẩm kết thúc bằng lời kêu gọi đầy khẩn thiết, xót xa: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của Người không sớm hồi sinh!”. Và dĩ nhiên, nghe theo lời hiệu triệu này, lớp lớp thanh niên Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã hồi sinh để làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, giành quyền độc lập, tự do, từ trong máu lửa đã “rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa”, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bản án chế độ thực dân Pháp là tác phẩm tâm huyết nhất, lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp.

  Tuyên ngôn độc lập, ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước, được Người sáng tác ngày 26/8/1945 tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội và ngày 2/9/1945 đọc trước quốc dân, đồng bào tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bản Tuyên ngôn đã kết tinh những quyền cơ bản nhất, nguyện vọng tha thiết nhất của nhân dân Việt Nam về độc lập tự do. Nó nêu cao khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, đánh dấu trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và mang tư tưởng lớn nhất thời đại - Tư tưởng không có gì quý hơn độc lập, tự do: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập. Và sự thật đã thành nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đây là áng văn chính luận mẫu mực, có giá trị lịch sử và văn học to lớn, được đánh giá là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ ba của dân tộc, là bài “thơ thần”, áng “thiên cổ hùng văn” của thời đại mới.

  Nói đến văn chính luận Hồ Chí Minh không thể không nhắc tới 2 lời kêu gọi những lúc Tổ quốc lâm nguy: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966). Đây là hai lời kêu gọi được ra đời trong những giờ phút thử thách nhất của lịch sử (toàn dân đứng lên đánh Pháp năm 1946 và toàn dân tộc quyết tâm kháng chiến chống Mỹ cứu nước), là lời kêu gọi của non sông trước vận mệnh của dân tộc lâm nguy, đề cập đến những vấn đề trọng đại nhất của dân tộc; văn phong hào hùng, tha thiết, làm rung động hàng triệu con tim Việt Nam: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến). Hay những lời hiệu triệu hùng hồn, đanh thép, tràn đầy niềm tin tưởng ở thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đương đầu với đế quốc hùng mạnh nhất thời đại bấy giờ: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Niềm tin tất thắng ấy đã trở thành hiện thực với đại thắng mùa xuân năm 1975 kết thúc bởi chiến dịch lịch sử mang tên Người - chiến dịch Hồ Chí Minh, cả non sông thống nhất, đất nước trọn niềm vui sau 30 năm trường kỳ kháng chiến giữ gìn nền độc lập.

Tác phẩm Đường Kách mệnh.

  Di chúc (1969): Được Bác khởi thảo viết từ ngày 10/5/1965, sau đó được chỉnh sửa nhiều lần các năm 1966, 1967, 1968 cho tới ngày 19/5/1969. Tác phẩm lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969, gồm 4 trang, nó đã vượt ra khỏi giới hạn một bản di chú thông thường mà là lời căn dặn thiết tha với toàn Đảng, toàn dân, với đồng chí, đồng bào cả nước của một người trọn đời với nước với dân trước lúc đi xa. Đây là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng: “Suốt đời tôi hết lòng phụng vụ Tổ quốc, phụng vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phụng vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Hơn thế nữa, nó còn chứa đựng cả đường lối chiến lược phát triển đất nước hiện tại và sau chiến tranh, và nhất là chan chứa tình yêu thương bao la của Bác với nhân dân.

  Văn chính luận Hồ Chí Minh nhìn chung ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, sáng tỏ, đanh thép, lí lẽ xác đáng, bằng chứng xác thực, thể hiện một lí trí sáng suốt. Nhưng Hồ Chí Minh không chỉ làm cách mạng bằng lí trí mà còn bằng tâm hồn, bằng tình cảm, bằng lòng yêu nước thương dân. Văn chính luận của Người tính nghệ thuật rất cao, giàu cảm xúc chân thành có tác dụng động viên cổ vũ mạnh mẽ, không chỉ thấu lí, mà còn rất đạt tình, truyền cảm, rung động lòng người. Nó có sức động thấu tới những miền sâu xa và đẹp đẽ nhất của lòng người (Nguyễn Đình Thi). “Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Ấm từng tiếng thấm vào lòng mong ước/Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau” (Tố Hữu). Văn chính luận của Người có mặt ở mọi nơi, đem lại lòng tin và sức chiến đấu cho nhân dân Việt Nam.

  Truyện và kí: Đây là lĩnh vực đặc sắc trong sự nghiệp của Hồ Chí Minh, được Người viết bằng Tiếng Pháp từ những năm 20 của thế kỷ trước ở Pháp với bút danh Nguyễn Ái Quốc và một vài tác phẩm rải rác sau này. Tác phẩm tiêu biểu phải kể đến là Tập Truyện và kí, bao gồm những sáng tác viết và đăng báo ở Pháp, chủ yếu là báo Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp. Tuy nhiên, phải mãi đến năm 1974 một số truyện và ký của Người mới được Phạm Huy Thông dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Truyện và ký là thành tựu nghệ thuật đáng kể trong sự nghiệp của Hồ Chí Minh, tuy không nhiều nhưng có tác dụng đặt nền móng, mở đầu cho nền văn học cách mạng Việt Nam hiện đại.

  Truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc được sáng tác chủ yếu với mục đích phục vụ cuộc đấu tranh cách mạng, những nhiệm vụ chính trị của đất nước. Đó là: tố cáo đả kích tội ác trực diện của thực dân, phong kiến tay sai; tuyên truyền cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nguyễn Ái Quốc thường tố cáo bằng cách tiến công trực diện kẻ thù qua những mũi nhọn chính luận sắc sảo, những sự thật công khai của đời sống, và đôi khi bằng cả những hư cấu nghệ thuật, sáng tạo ra những tình huống không xác thực nhưng chân thực, để phơi bày những sự thật công khai, để phanh phui những gì còn che giấu. Những tác phẩm tiêu biểu như truyện Vi hànhNhững trò lố hay là Varen và Phan Bội ChâuCon người biết mùi hun khóiLời than vãn của bà Trưng TrắcĐoàn kết giai cấpPari,… Những truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc thường ngắn gọn, cô đọng, cốt truyện sáng tạo, kết cấu độc đáo, ý tưởng thâm thuý, nổi bật là giàu chất trí tuệ và mang tính hiện đại, thể hiện rõ lối viết theo bút pháp văn phong phương Tây. Đặc biệt, bút pháp sở trường của Nguyễn Ái Quốc là châm biếm và đả kích tạo ra nụ cười vừa hóm hỉnh vừa thâm thuý, sâu cay. Đây là bằng chứng về một cây bút văn xuôi hiện đại đầy tài năng, một lối viết mang phong cách Âu châu hiện đại. “Hồ Chủ tịch đã viết Nhật ký trong tù bằng chữ Hán với phong cách Đường Tống thì cũng viết những truyện và ký bằng Tiếng Pháp này như một ngòi bút phương Tây sắc sảo, rất điêu luyện, rất Pháp” (Phạm Huy Thông).

  Ngoài Truyện và kí, còn phải kể tới những tác phẩm Người viết rải rác các năm như Nhật kí chìm tàu (1931)Giấc ngủ 10 năm (1949),Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963)...

  Thơ ca: Đây là lĩnh vực nổi bật trong di sản văn học của Hồ Chí Minh. Với khoảng 250 bài thơ, trong đó có hơn 100 bài thơ chữ Hán - một con số thật có ý nghĩa với một đời thơ, đủ khẳng định Hồ Chí Minh là một nhà thơ, sau này được in trong các tập thơ tiêu biểu:Nhật ký trong tùThơ Hồ Chí MinhThơ chữ Hán Hồ Chí Minh.

Tác phẩm Nhật ký trong tù.

  Thơ ca được Hồ Chí Minh sáng tác chủ yếu từ khi về nước (1941) cho tới cuối đời, viết bằng Tiếng Hán và Tiếng Việt. Tiêu biểu cho sáng tác trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 là tập Nhật kí trong tù được sáng tác trong khoảng thời gian từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943 khi Người bị bắt giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây (Trung Quốc). Dù bị giải tới, giải lui qua gần 30 nhà lao của 13 huyện của tỉnh Quảng Tây mà không hề được xét xử, trải qua bao gian khổ của cuộc sống tù nhân, Người vẫn làm thơ, sáng tác được 133 bài thơ chữ Hán. Tác phẩm lần đầu ra mắt bạn đọc năm 1960. Nhật kí trong tù là cuốn nhật ký bằng thơ được viết theo nhiều bút pháp: khi tả thực, khi trữ tình, khi hướng ngoại khi hướng nội, lúc hiện thực, lúc lãng mạn, lúc hài hước tự trào, lúc mỉa mai châm biếm, nhưng chủ yếu được viết với bút pháp trữ tình, hướng nội, ghi lại tâm tư tình cảm của Người trong suốt “mười bốn trăng tê tái gông cùm”. Ngoài giá trị lịch sử, nó còn có giá trị văn học vô cùng to lớn. Không chỉ có giá trị hiện thực khi tái hiện bức tranh hiện thực về chế độ nhà tù bất công tàn ác, vô nhân đạo thời Tưởng Giới Thạch, ghi lại chân thực bộ mặt nhem nhuốc của các nhà tù Quốc dân đảng, mà sức hấp dẫn kỳ diệu của tập thơ là ở vẻ đẹp tâm hồn con người - người tù vĩ đại. Nhật kí trong tù chính là bức chân dung tự hoạ con người tinh thần của Hồ Chí Minh - người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Đó là vẻ đẹp của một tâm hồn lớn: Đó là lòng yêu nước, thiết tha hướng về Tổ Quốc, khao khát tự do cho mình và cho dân tộc; là tình yêu thương con người, yêu thương nhân loại cần lao của một con người cùng cảnh ngộ; là tâm hồn mềm mại, nhạy cảm với mọi biến thái của thiên nhiên, tạo vật, bộc lộ một tâm hồn nghệ sỹ tài hoa mang cốt cách cổ điển phương đông; một niền lạc quan tin tưởng, luôn hướng về bình minh và mặt trời hồng. Nhật kí trong tùcòn tỏa ánh sáng của một trí tuệ lớn, một tầm tư tưởng lớn, ánh sáng của thế giới quan, nhân sinh quan Mác-Lê nin, thể hiện ở sự nhìn nhận đúng đắn về hiện thực cuộc đời và về con người (Người nhìn thấy những bất công vô lý, nghịch cảnh của cuộc đời; nhìn ra bản chất con người và vai trò của hoàn cảnh; những chiêm nghiệm về đường đời hiểm trở, khó khăn và đường đi nước bước của con người,…). Đó là tầm nhìn xa trông rộng, nhận thức được cả chiều hướng vận động của cuộc đời, của lịch sử do nắm chắc được quy luật vần xoay của cuộc đời, bởi vậy lúc nào Người cũng lạc quan, tin tưởng vững chắc vào tương lai, tâm hồn luôn hướng về bình minh, về mặt trời hồng: “Sự vật vần xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hẩng lên thôi… Hết khổ là vui vốn lẽ đời”. Đặc biệt, từ cảnh ngộ bản thân, Người chiêm nghiệm, đúc rút ra những bài học đạo đức, rèn luyện phẩm chất ý chí, nghị lực của con người vươn lên đạt mục đích trong cuộc đời: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công” (Nghe tiếng giã gạo). Trí tuệ Hồ Chí Minh còn ở chỗ Người còn đề ra một tuyên ngôn cho thơ ca và văn học cách mạng: “Hiện đại thi trung ưng hữu thiết/ Thi gia dã yếu hội xung phong” (Dịch là: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”).

  Nhật ký trong tù còn tỏa ánh sáng của một dũng khí lớn, là chất thép ngời sáng, là ý chí kiên định, nghị lực lớn lao, bền bỉ, phi thường, một bản lĩnh và khí phách hiên ngang, một tinh thần bất khuất: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”. Cho nên con người ấy luôn vững vàng trước mọi hoàn cảnh, làm chủ, vượt lên, chiến thắng hoàn cảnh. Thân phận tù nhân chốn lao tù mà vẫn cười cợt với đau khổ, ngạo nghễ với lao lung, gian lao không nao núng, uy vũ không khuất phục. Nghị lực ấy không phải phẩm chất có sẵn, mà phải rèn luyện, kiên trì, nhẫn nại mới có được. Nhà tù với dây trói, xiềng xích không thể giam giữ nổi tinh thần người cộng sản. Con người ấy luôn tự do về tinh thần, các nhà nghiên cứu vẫn gọi đó là chất thép ngời sáng trong tâm hồn Hồ Chí Minh. Nhưng thép mà không mấy khi lên giọng thép, mà nó toát ra rất tự nhiên, bình dị trong tư thế ung dung, tự chủ của con người. Bởi lẽ, “hơn 2000 chữ chỉ có một chữ thép. Nhưng đọc kỹ thấy bài nào cũng có thép, câu nào cũng có thép, vì người làm thơ có một tinh thần thép rất chắc chắn” (Quách Mạt Nhược).

  Tóm lại, Nhật ký trong tù là bức chân dung con người tinh thần của Hồ Chí Minh, bậc đại Nhân, đại Trí, đại Dũng (Viên Ưng). Tất cả bắt nguồn từ một tâm hồn yêu nước lớn, một cốt cách nghệ sỹ lớn và một tư thế văn hoá lớn.

  Thơ ca Hồ Chí Minh ngoài Nhật ký trong tù không thể không kể đến chùm tác phẩm gồm những bài ca tuyên truyền vận động cách mạng những năm 40, thời kì bí mật trước Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, như Ca du kíchCa sợi chỉCa dân cày, Ca binh línhCa công nhânCa thiếu nhi,... Đặc điểm chung của những bài ca này là rất giản dị, dễ hiểu, mộc mạc, vần vè, nôm na, mang phong vị thơ ca dân gian, nhưng lại có tác dụng tuyên truyền, cổ vũ nhân dân rất hiệu quả và thiết thực. Hãy nghe Bác kêu gọi binh lính: “Hai tay cầm khẩu súng dài/ Ngắm đi ngắm lại bắn ai thế này? Bắn vào quân Nhật, quân Tây/ Lũ cướp nước, lũ đọa đầy dân ta/ Lũ không yêu trẻ kính già / Lũ cướp đất, lũ đốt nhà xôn xao… Anh em binh lính ta ơi/ Chúng ta cùng giống, cùng nòi Việt Nam/ Việc chi lợi nước thì làm/ Cứu dân, cứu nước há cam kém người/ Trong tay đã sẵn súng rồi/ Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành/ Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh/ Việt binh cứu quốc rạng danh muôn đời!”...

  Ngoài ra cũng phải kể tới một số bài thơ viết bằng chữ Hán và Tiếng Việt mang tính chất tức cảnh thiên nhiên, thể hiện tinh thần lạc quan, tình yêu thiên nhiên, đất nước như Thượng sơnĐăng SơnNguyên tiêuBáo tiệpTặng Bùi CôngTức cảnh Pắc BóCảnh khuya,Đi thuyền trên sông Đáy,...; chùm bài thơ tặng đồng bào thi đua sản xuất và chiến đấu; chùm bài thơ chúc tết đồng chí đồng bào, thơ thù tiếp, thơ tặng, những vần thơ lẻ rải rác ứng khẩu trong các bài nói chuyện với chiến sĩ, đồng bào... Tuy vậy, có giá trị nhất là thơ viết về cảnh thiên nhiên, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của vị Chủ tịch nước: nỗi lo lắng cho dân cho nước, tình yêu thiên nhiên, yêu con người, tinh thần lạc quan cách mạng. Về phong cách, nếu những bài thơ tiếng Việt mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, mang phong vị thơ ca dân gian, nhưng cũng rất sâu sắc, có giá trị tuyên truyền rất hiệu quả thì những bài thơ viết bằng chữ Hán của Người hầu hết đều là tứ tuyệt (ngũ ngôn, thất ngôn) lại mang màu sắc cổ thi, hàm súc, uyên thâm, man mác hơi thơ Đường, thơ Tống. Ví như bài Nguyên tiêu:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Nhà thơ Xuân Thủy dịch thơ:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khua về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

  Người đặt nền móng cho nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam

Trong lĩnh vực văn chương, Hồ Chí Minh quả là là cây bút đa phong cách. Song, dù viết dưới hình thức nào, thể loại nào, sáng tác của Người cũng nhất quán trong nghệ thuật viết: ngắn gọn, trong sáng, giản dị mà sâu sắc, kết hợp hài hoà giữa cổ điển và hiện đại, chính trị và văn học, thể hiện sức sáng tạo linh hoạt, chủ động trong vận dụng các hình thức thể loại, bút pháp, thủ pháp nghệ thuật khác nhau, nhằm đạt mục đích thiết thực trong từng tác phẩm. Đặc biệt, dù viết văn chính luận, truyện ký, thơ ca hay kịch,… sáng tác của Người cũng nhất quán về quan điểm sáng tác và tư tưởng tình cảm: Viết văn để phục vụ cho cuộc đấu tranh cách mạng, cho nhiệm vụ cách mạng của dân tộc. Bởi lẽ Người nhận rõ sứ mệnh thiêng liêng của văn chương và vai trò người nghệ sĩ: văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú, phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng; nhà văn phải ở giữa cuộc đời, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh và phát triển xã hội. Nói cách khác, văn học nghệ thuật phải là vũ khí, phục vụ tốt cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhà văn đồng thời là người chiến sĩ trong cuộc đấu tranh. Trong bài thơ Cảm tưởng đọc Thiên gia thi (Nhật ký trong tù), Người xác định: Hiện đại thi trung ưng hữu thiếtThi gia dã yếu hội xung phong. Nghĩa là: Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong.Chất thép ở đây chính là xu hướng tiến bộ, tích cực, là cảm hứng đấu tranh xã hội của thơ ca. Hay trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một lần nói chuyện trực tiếp với văn nghệ sĩ, Bác lại nhấn mạnh và yêu cầu: Văn hoá văn nghệ là một mặt trận, anh chị em phải là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

  Thực ra đây là quan niệm Hồ Chí Minh đã kế thừa và tiếp tục truyền thống của cha ông, có nâng cao lên ở thời đại cách mạng. Ông cha ta từng quan niệm Văn dĩ tải đạo, thơ văn phải giúp đời, văn học phải vị nhân sinh, văn chương là vũ khí của người chiến sĩ. Đó chính là tinh thần Thoái lỗ thi (thơ đuổi giặc) của Lí Thường Kiệt bên dòng Ngư Nguyệt, là chủ trương dùng văn chương làm vũ khí tâm công, phạt mưu của Nguyễn Trãi trong kế sách Bình Ngô - người được người đời sau ngợi ca là ngòi bút có sức mạnh hơn 10 vạn hùng binh, là tinh thần văn chương chuyên chú ở con người của Nguyễn Văn Siêu, là quan niệm văn chương phải chở đạo, đâm gian của nhà thơ mù yêu nước Đồ Chiểu… Cùng thời đại cách mạng thế kỷ XX, nhà thơ Sóng Hồng cũng tâm niệm: Dùng cán bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền. Quan điểm này giúp chúng ta giải thích được vì sao trong sáng tác của Người chủ yếu là văn chính luận, văn chương tuyên truyền, phục vụ cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc.

  Đây là quan niệm nghệ thuật đúng đắn, tiến bộ, phù hợp với lí luận văn nghệ cách mạng, không những thể hiện nhất quán trong toàn bộ sáng tác của Hồ Chí Minh, mà còn trở thành đường lối lãnh đạo, chỉ đạo văn nghệ của Đảng ta, là kim chỉ nam dẫn đường chỉ lối cho nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Văn chương của Hồ Chí Minh thực sự đã mở đầu và đặt nền móng cho văn học cách mạng Việt Nam.

  Và hôm nay, cả dân tộc Việt Nam vẫn đang vững vàng, tự tin đi trên con đường mà Người đã vạch đường, chỉ lối, con đường đi tới dân chủ, tự do, công bằng và hạnh phúc. Toàn Đảng, toàn dân đã và đang tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học Bác để chúng ta thêm tự hào về một con người cao đẹp - không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của nhân loại.

                                                                                                 Adm

Bài viết liên quan